Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Nên cho con học ngoại ngữ từ 4 tuổi

Trẻ em nên bắt đầu học ngoại ngữ từ 4 tuổi. Lúc đó, trẻ chưa vướng bận điều gì, chưa phải suy nghĩ về việc học, lại có thể kết hợp vừa học vừa chơi. Nếu các em làm quen và bắt đầu học ngoại ngữ sớm sẽ có cơ hội có trình độ ngoại ngữ cao sớm hơn” - bà BEATE WIDLOK, VIỆN GOETHE MUNICH, ĐỨC khẳng định.

Bà đánh giá như thế nào về xu hướng học ngoại ngữ sớm hiện nay tại Việt Nam? Xu hướng này có gây ra thử thách hay sức ép gì đối với người học không?

- Tôi đặc biệt quan tâm tới một xu hướng đang rất rõ rệt tại Việt Nam, đó là thực hiện và phát triển các chương trình học tiếng Anh ở trẻ em. Tôi nhận thấy ngày càng nhiều học sinh bắt đầu học tiếng Anh từ rất sớm. Và với việc học ngoại ngữ sớm như hiện nay, vấn đề lớn nhất đặt ra là chất lượng giảng dạy của giáo viên. Tại đây, nhiều giáo viên vẫn sử dụng phương pháp dạy truyền thống, không thường xuyên trau dồi, nâng cao kiến thức ngoại ngữ của mình, nên không cập nhật và thường sử dụng phương pháp bắt buộc với học sinh.

Bà vừa nhấn mạnh vai trò của giáo viên cũng như phương pháp giảng dạy ngoại ngữ sớm cho trẻ…

- Giáo viên thường có thói quen đưa ra yêu cầu với học sinh, buộc các em phải làm cái này, cái kia, mà không chú ý tới việc cần cho các em bao nhiêu thời gian để chuẩn bị, tìm hiểu kiến thức được giảng dạy. Hiện nay, tại Viện Goethe không có hệ thống thi cử hoặc sát hạch vì trẻ không muốn thế. Cần thay đổi cách kiểm tra sao cho kết quả được kiểm định ngay sau khi học. Giáo viên cũng cần chú ý tới chất lượng của tài liệu giảng dạy mà họ sử dụng.

Một lưu ý, trẻ nhỏ mới là chủ thể, chứ không phải thầy giáo. Giáo viên thực chất chỉ là người đưa ra hướng dẫn cho trẻ thực hiện công việc học của mình. Trẻ rất giỏi trong việc học lẫn nhau nên giáo viên cần biết cách chia nhóm, bài trí lớp học để bằng cách nào đó trẻ tự học hỏi kiến thức xung quanh mình. Trước một ngôn ngữ mới, ngay từ buổi đầu cho trẻ tiếp xúc, không nên đưa ra yêu cầu quá cao, cần cho chúng hiểu rằng, đó không phải là cái gì quá ghê gớm.

Còn với các bậc phụ huynh thì sao, thưa bà, bởi họ cũng tạo nhiều ảnh hưởng đến trẻ?

- Nếu họ thường xuyên nói chuyện với các em theo hướng tích cực về việc học ngoại ngữ, đồng thời biết phối hợp với giáo viên để xây dựng và thực hiện chương trình dạy ngoại ngữ tốt hơn, tạo cho trẻ cách tiếp cận và tiếp thu môn học một cách từ từ, thì hiệu quả sẽ cao hơn. Trẻ em thường hiếu kỳ và cởi mở với mọi thứ. Vì thế, giáo viên và cha mẹ cần cung cấp những tài liệu học thú vị để tạo niềm thích thú, hấp dẫn các em. Cha mẹ cũng cần thường xuyên kèm cặp con em mình để tạo cho các em niềm đam mê và yêu thích với môn ngoại ngữ.
 
TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ TRẺ EM UY TÍN
 

Theo bà, nên cho trẻ học ngoại ngữ vào thời điểm nào? Đặc biệt, làm thế nào để khuyến khích và tạo động lực cho trẻ học ngoại ngữ một cách hiệu quả?

- Theo tôi, trẻ em nên bắt đầu học ngoại ngữ từ năm 4 tuổi. Ở độ tuổi mầm non, trẻ em chưa phải vướng bận điều gì, chưa phải suy nghĩ về việc học. Nếu được học ngoại ngữ thời điểm này, các bé có thể được kết hợp vừa chơi vừa học. Và nếu các em có cơ hội làm quen và bắt đầu học ngoại ngữ sớm, sẽ có cơ hội có trình độ ngoại ngữ cao sớm hơn. Hệ thống giáo dục không thể được cải thiện một cách nhanh chóng, nhưng chúng ta có thể tạo cho trẻ điều kiện tiếp xúc và học ngoại ngữ qua sách vở, qua các chương trình truyền hình, các trang hướng dẫn học ngoại ngữ trên internet... Trẻ em hiện nay thường nhanh nhạy, có điều kiện du lịch nhiều, tiếp cận rộng mở, bao dung với các nền văn hóa lạ mà sách giáo khoa không thể đáp ứng được và đặc biệt rất thích xem tivi. Chúng ta có thể tận dụng thời gian bé xem truyền hình, thay vì những chương trình phim hoạt hình, cho bé xem chương trình dạy ngoại ngữ chất lượng tốt, vừa tạo cho bé các kỹ năng như quan sát, cách phát âm chuẩn, được xem nhiều nội dung phong phú... Khi đó, trình độ nghe, giao tiếp ngoại ngữ của trẻ sẽ được cải thiện và nâng cao rõ rệt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét