Thứ Tư, 12 tháng 12, 2012

Cùng con vượt qua rối loạn học tập

Rối loạn học tập là một thuật ngữ chung mô tả về vấn đề học tập ở trẻ. Con bạn có các biểu hiện như sợ đọc to, sợ viết 1 bài văn hay giải 1 bài toán? Đó có thể là biểu hiện của rối loạn học tập.

Theo thống kê ở Mỹ, trong độ tuổi từ 6-21, cứ 5 trẻ thì có 1 trẻ gặp vấn đề rối loạn. Trẻ bị rối loạn học tập không có nghĩa là trẻ kém thông minh hay lười biếng, chậm nói. Những đứa trẻ này thường có chỉ số thông minh từ mức trung bình cho đến cao. Sự khác biệt là cách bộ não hoạt động khác nhau và tiếp nhận, xử lý thông tin khác nhau. Trẻ em bị rối loạn học tập thường liên quan tới vấn đề đọc, viết, làm toán, lý luận, nghe và nói.
Không ai trong số chúng ta muốn con mình bị như vậy, và bậc cha mẹ thường lo lắng rằng, con cái mình chậm chạp và sẽ không thành công như chúng bạn. Nhưng bạn cần nhớ rằng, sự thông minh của chúng không thua kém, chỉ cần giảng dạy bằng cách phù hợp với cách học “độc đáo” của trẻ sẽ giúp con vượt qua khó khăn.

 

Dấu hiệu rối loạn học tập

Biểu hiện này rất khác nhau qua từng đứa trẻ. Có bé gặp khó khăn với việc đọc và viết, hay không thể học toán. Có bé cảm thấy khó hiểu những gì người khác đang nói. Kiểm tra những biểu hiện dưới đây sẽ giúp bạn nắm bắt được tình trạng của con mình:

* Giai đoạn trước khi bước vào lớp 1:

- Gặp vấn đề về phát âm

- Không biết tìm từ thích hợp

- Khó khăn trong việc gieo vần

- Gặp khó khăn về học bảng chữ cái, số, màu sắc, hình dạng, các ngày trong tuần

- Khó khăn để làm theo các hướng dẫn hoặc học tập thói quen

- Không kiểm soát được màu sắc trong việc tô màu

* Giai đoạn lớp 1- 4

- Gặp vấn đề kết nối giữa các chữ cái và âm thanh

- Không thể kết hợp các âm để tạo thành vần

- Lẫn lộn những từ cơ bản khi đọc

- Viết sai từ và lỗi đọc thường xuyên

- Không hiểu những khái niệm toán học cơ bản

- Nói khó khăn và nhớ chậm

- Chậm chạp trong việc học các kỹ năng mới

* Giai đoạn lớp 5 - 8
- Gặp khó khăn với các kỹ năng đọc hiểu, làm toán

- Rắc rối với câu hỏi kiểm tra và các vấn đề về từ ngữ

- Không thích đọc và viết; không thích đọc to

- Đánh vần sai

- Kỹ năng tổ chức kém (như sắp xếp phòng ngủ, bài tập về nhà, bàn học lộn xộn…)

- Khó theo kịp thảo luận trong lớp học và bày tỏ suy nghĩ của mình

- Chữ viết xấu

 

Giúp con vượt qua trở ngại

Trẻ em bị chứng rối loạn học tập rất cần sự giúp đỡ của gia đình và nhà trường. Vì vậy, một số kinh nghiệm sau đây sẽ giúp cha mẹ cải thiện tình hình:

- Khen ngợi con khi chúng làm tốt: Tìm hiểu những gì con của bạn thích làm, chẳng hạn như múa, chơi bóng đá, hoặc máy tính… Tạo cho con nhiều cơ hội để theo đuổi thế mạnh và tài năng của mình. Luôn khen ngợi và động viên khi con đã làm tốt.

- Cách trẻ học tốt nhất: Cha mẹ hãy tìm hiểu xem, bé làm toán tốt khi thực hành bằng tay, hay quan sát, lắng nghe? Giúp con tìm ra thế mạnh của mình để làm tốt nhất.

- Hãy để con bạn giúp đỡ công việc gia đình: Hãy hướng dẫn bằng cách đơn giản nhất để con giúp đỡ những việc nhỏ, điều này xây dựng kỹ năng và sự tự tin. Bạn đừng quên khen khi con đã hoàn thành nhiệm vụ.

- Hãy chú ý đến sức khỏe tinh thần của con: Bạn có thể đưa con đến gặp những chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần trẻ em… để nhận sự giúp đỡ.
- Chia sẻ với những phụ huynh có con gặp tình trạng này.

- Gặp gỡ với nhà trường và giúp phát triển một kế hoạch giáo dục để hỗ trợ con, thường xuyên trao đổi về sự tiến bộ của con mình ở nhà và ở trường.

 

Lời khuyên cho giáo viên

- Tìm và nhấn mạnh những điểm mạnh của học sinh. Luôn động viên và khen ngợi để trẻ có động lực.

- Xem xét hồ sơ của học sinh để xác định vấn đề mà trẻ gặp phải, giúp trẻ hoàn thiện dần bằng cách:

+ Đưa nhiệm vụ, bài tập nhỏ hơn, mức độ dễ hơn cho trẻ. Hướng dẫn một cách đơn giản để trẻ dễ hiểu.

+ Cho học sinh nhiều thời gian hơn để hoàn thành việc học ở trường hoặc làm bài kiểm tra.

+ Cho phép trẻ ở độ tuổi lớn hơn được sử dụng máy tính với phần mềm kiểm tra chính tả, ngữ pháp.

+ Dạy kỹ năng tổ chức, kỹ năng nghiên cứu và chiến lược học tập. Điều này giúp tất cả học sinh, nhưng đặc biệt hữu ích cho những trẻ bị rối loạn.

+ Thiết lập một mối quan hệ làm việc tích cực với cha mẹ của học sinh. Thông qua giao tiếp thương xuyên, trao đỏi thông tin về sự tiến bộ của học sinh tại trường.

Phương pháp điều trị

Phương pháp điều trị phổ biến nhất cho trẻ em rối loạn học tập là giáo dục đặc biệt. Giáo dục đặc biệt có thể đánh giá tiềm năng học tập và trí tuệ của trẻ em cũng như mức độ thành tích học tập. Khi quá trình hoàn thành, cách tiếp cận cơ bản là dạy các kỹ năng học tập bằng cách xây dựng trên khả năng và thế mạnh của đứa trẻ, sửa những khuyết điểm. Các kỹ năng khác như ngôn ngữ cũng có thể bao gồm.

Một số loại thuốc có thể có hiệu quả trong việc giúp đứa trẻ học hỏi bằng cách tăng cường sự chú ý và tập trung. Liệu pháp tâm lý cũng có thể được sử dụng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét